Saturday, 20/04/2024 - 04:24|
Chào mừng bạn đến với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Trụ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 150 năm ngày hy sinh anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Chiều ngày 19/10/2018, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ. Nơi ghi dấu chiến công đốt tàu Espérance của ông cùng nghĩa quân.

Tham dự buổi lễ có Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang; bà Nguyễn Kiều Linh - Phó chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Thao - Giám đốc cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía địa phương có ông Phạm Văn Rạnh - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Cang - Phó chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở ngành tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo tỉnh Kiêng Giang và thành phố Rạch Giá; lãnh đạo các các huyện, thị xã, thành phố trong địa bàn tỉnh Long An.

Về phía huyện Tân Trụ có ông Nguyễn Ngọc Dãy - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Trần Văn Đốc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; ông Trương Thanh Liêm - Chủ tịch UBND huyện; các ngành đoàn thể huyện cùng đông đảo nhân dân và học sinh, giáo viên, đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh.

Tại buổi lễ các đồng chí lãnh đạo đã nghe Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần ôn lại lịch sử Trận đánh Vàm Nhựt Tảo và những chiến công khác của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân.

Chủ tịch UBND tỉnh ôn lại lịch sử trận đánh Vàm Nhựt Tảo.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh-Trần Văn Cần ôn lại trận đánh Vàm Nhựt Tảo.

Sau thời gian chuẩn bị, ngày 10/12/1861 sau khi bố trí xong lực lượng phục kích trên bờ, năm chiếc ghe chở Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân giả làm đoàn ghe buôn tiến sát tiểu hạm Espérance. Viên sĩ quan trực tưởng là đoàn ghe ghé xin phép lưu thông nên cho tiếp cận tàu.

Liền khi ấy, nghĩa quân tay cầm gươm giáo, từ các ghe nhảy lên, vừa la hét, vừa đánh xáp lá cà với lính thủy Pháp. Ở hai bên bờ, các nghĩa quân cũng nhanh chóng đến tiếp chiến. Trận đánh này nghĩa quân đã tiêu diệt 17 lính và 20 cộng sự người Việt.

Khi Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được ký, ba tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp. Nguyễn Trung Trực đem quân lui về Kiên Giang. Ở Kiên Giang, sau khi nắm được tình hình của đối phương và tập trung xong lực lượng. Ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ dẫn quân đánh úp đồn Kiên Giang và chiếm được đồn, tiêu diệt được 05 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược. Đây là hai chiến công hiển hách tạo nên tên tuổi nổi bật của ông trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp được nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đúc kết thành hai câu thơ:

“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.

Sau buổi lễ các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, tham quan nhà trưng bày, mô hình tàu Esperance và dùng cơm chay tại tầng trệt của khu di tích.

Các đc lãnh đạo dâng hương tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.jpg

Các đồng chí lãnh đạo dâng hương tưởng niệm AHDT Nguyễn Trung Trực.

Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Tân Trụ tổ chức trọng thể trong hai ngày 19 và 20/10/2018 nhằm ngày 11 và 12/9 âm lịch hàng năm.

Năm nay, ban tổ chức đón khoảng 30 ngàn lượt khách trong tỉnh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long về dâng hương tưởng niệm, tham quan, dùng cơm chay tại khu di tích Vàm Nhựt Tảo. Lần này do kỷ niệm 150 năm nên lượng khách tăng cao hơn mọi năm khoảng 10 ngàn lượt. Ngoài việc tỏ lòng thành kính đối với vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Lễ kỷ niệm 150 năm ngày hy sinh của Ông còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân. Đặc biệt là thế hệ trẻ, những người chủ tương lai đất nước./.


Nguồn:Công thông tin điện tử huyện Tân Trụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết